Tuy từ chối chức Bộ trưởng Ngoại giao, ông Trần
Quang Cơ vẫn là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất lên đường
lối đối ngoại của Việt Nam – không phải bằng quyền lực, chức vụ mà bằng
những gì ông bạch hóa trong cuốn Hồi ức & Suy nghĩ được “leak” ra hồi đầu thập niên 2000s. Cuốn hồi ký có giá trị cảnh báo nguy cơ Việt Nam rơi vào thời kỳ Bắc thuộc mới.
Năm 1991, ông Nguyễn Cơ Thạch chịu nhiều áp lực
phải rời khỏi chính trường. Chiếc ghế Bộ trưởng Ngoại giao được chuẩn bị
cho ông Trần Quang Cơ nhưng ông từ chối. Khi Quốc hội đã nhóm họp, ông
Trần Quang Cơ vẫn “công tác” ở Lào. Ông Đỗ Mười tưởng ông Cơ “đòi” cái
ghế ủy viên Bộ chính trị nên hứa là nếu ông Cơ nhận, Trung ương sẽ bổ
sung. Ông Cơ kiên quyết từ chối.
Thật tình cờ, tôi nhận được điện thoại của Đại sứ
Đinh Hoàng Thắng báo ông Trần Quang Cơ đồng ý trả lời phỏng vấn khi
đang ở trong Thành phỏng vấn Tướng Lê Đức Anh. Phải ngồi với cả hai mới
thấy được sự khác nhau giữa họ về nhân cách, tầm nhìn; sự khác nhau giữa
tham vọng quyền lực và lòng yêu quê hương đất nước.
Trong cuộc gặp vào chiều cùng ngày (có đại sứ Đinh Hoàng Thắng),
tôi hỏi, vì sao ông lại không nhận chức Bộ trưởng Ngoại giao. Ông Cơ
thẳng thắn: “Lúc ấy, trong Bộ Chính trị đã phân công cho Tướng Lê Đức
Anh, Chủ tịch Nước, phụ trách quốc phòng, an ninh và ngoại giao. Tướng
Lê Đức Anh là kiến trúc sư chính của Hội nghị Thành Đô. Nghị quyết Đại
hội VII xác định đường lối ngoại giao đa phương. Nhưng chúng tôi biết rõ
‘phương ưu tiên’ của ông ta là ai, là ngược lại với chúng tôi, dẫu có
nhận chức, trước sau cũng mất chức”. Tôi nói: “Tại sao anh không nhận
chức rồi đấu tranh, nếu có mất chức vì bất đồng quan điểm thì lịch sử
càng làm rõ ai công, ai tội”. Ông Trần Quang Cơ cười: “Cậu nghĩ là người
ta sẽ cho tôi mất chức vì bất đồng quan điểm ư?”. Khi ông Cơ nói điều
đó, chưa xảy ra vụ “hai bao cao su” nhưng tôi cũng phần nào hiểu được.
Rồi các đồng nghiệp của ông Trần Quang Cơ sẽ đánh
giá về sự nghiệp ngoại giao của ông. Nhưng, việc ông và Bộ trưởng Ngoại
giao Nguyễn Cơ Thạch bị gạt khỏi cuộc chơi hồi thập niên 1990s đã để
lại một khoảng trống trí tuệ to lớn cho Hà Nội. Trong khoảng trống đó,
người ta mặc sức sử dụng con ngoáo ộp “diễn biến hóa bình” những con
ngoáo ộp “made in” Trung Quốc.
Chúng ta chỉ mới biết đến những mất mát ở thác
Bản Giốc, bãi Tục Lãm, điểm cao 1509… Chúng ta còn rất ít biết đến những
mất mát to lớn hơn: những cơ hội để cải cách chính trị; những cơ hội để
cải cách kinh tế theo hướng thị trường; những cơ hội hội nhập sâu rộng
hơn với các quốc gia tiến bộ; những cơ hội để ký BTA, đi trước Trung
Quốc trong làm ăn với Mỹ.
Cho dù rất chia sẻ với quyết định của ông; vẫn
kính trọng tài năng và tâm huyết của ông; không dám trách ông “bỏ cuộc
chơi”… nhưng vẫn tiếc, vận nước vào những lúc khó khăn, lại quá thiếu
vắng những con người tử tế.
Xin tiễn biệt ông. Ông ra đi nhưng người đời sẽ còn nhắc tên ông, một cái tên đã thành danh: TRẦN QUANG CƠ.
Nguồn: FB Trương Huy San
0 nhận xét:
Đăng nhận xét