![]() |
Tượng đặt tại bảo tàng Hồ Chí Minh - Hà Nội |
* NGUYỄN TIẾN TRUNG
Bài “Kiểm soát quyền lực bằng cách nào?” trên VietnamNet đã đăng rất rõ ý kiến của ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương và ông Mai Liêm Trực, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính-Viễn thông.
Những ý kiến này trùng với bài viết mới nhất của mình trên BBC “Hãy xây tượng đài trong lòng dân”, theo đó cần phải thực sự hiện thực hóa mục tiêu “nhân dân làm chủ, pháp luật chuẩn mực” thì mới có thể tiếp tục phát triển, nếu không sẽ dẫn đến mất ổn định rồi sụp đổ.
Điều cần nhấn mạnh rằng mục tiêu “nhân dân làm chủ, pháp luật chuẩn mực” là đúng và có lợi cho tất cả mọi người, mọi thành phần trong xã hội, từ người dân thường cho đến giới cầm quyền mà ông Vũ Ngọc Hoàng và ông Mai Liêm Trực là đại diện.
Lâu nay Đảng đã có nhiều nghị quyết về xây dựng Đảng, nhìn chung đều đúng cả, không có gì sai, và cũng tích cực thực hiện, vậy mà suy thoái vẫn không dừng, thậm chí còn tăng hơn. Vì sao vậy? Phải chăng còn thiếu điều quan trọng nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực và các cơ chế đảm bảo dân chủ thực sự. Phải kiểm soát quyền lực bằng quyền lực nhà nước; bằng cơ chế dân chủ, quyền tham chính của nhân dân; bằng công luận, sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, điều trần.
Cần phải đổi mới một cách căn bản, có cơ sở khoa học, theo hướng thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng và trong xã hội; công khai, minh bạch; lấy thuyết phục, đối thoại làm chính (thay cho áp đặt); thực hiện đầy đủ các quyền tự do, quyền con người mà Hiến pháp đã định. Trong đó, có quyền tự do tư tưởng và quyền thể hiện chính kiến của các công dân, nhằm đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu phát triển lành mạnh, bền vững của đất nước và dân tộc Việt Nam .
Phải đổi mới để phát triển. Phát triển mới có ổn định lâu dài. Không phải cứ đổi mới căn bản thì mất ổn định. Ngược lại, không chịu đổi mới thì đến một lúc sẽ mất ổn định lớn hơn. Có cách làm đúng thì sẽ tốt. Dù đổi mới căn bản thì vẫn phải có bước đi, có lộ trình phù hợp. Phải mạnh dạn mới hy vọng kết quả lớn, giải quyết được tình hình.
Liên Xô sụp đổ là bài học lớn cho chúng ta. Vì sao thành trì cách mạng đó lại có thể sụp đổ nhanh đến thế ? Cái gọi là ổn định trước đó chỉ là sự ổn định bề mặt, giả tạo chứ không phải sự ổn định bản chất, vững chắc.
Suốt mấy mươi năm Liên Xô ổn định kiểu vậy, khi có quyền lực nhiều cái có thể vượt qua được, tưởng như thế là tốt, là xong rồi, nhưng nó lại tích tụ chồng chất mâu thuẫn bên trong, giống như nhìn thấy cây cối trên mặt đất vẫn bình yên, nhưng không thấy sự rạn nứt dần dần trong nền móng, để đến một ngày nó đổ ào đến mức khó hiểu.
Do vậy, từ thực tiễn và khoa học mà nói, cần phải đổi mới một cách căn bản, từ gốc rễ mới tạo dựng được sự ổn định lâu dài và phát triển vượt lên.
Lâu nay Đảng và Nhà nước luôn khẳng định là nhân dân làm chủ; quyền lực là của dân. Điều này quá đúng! Và chỉ khi người dân thực sự có quyền lực, thực sự làm chủ, cộng với cơ chế kiểm soát quyền lực bằng quyền lực Nhà nước, thì khi đó mới có thể kiểm soát được quyền lực.
Xưa nay, rất ít khi những người có quyền lực lại tự giới hạn hoặc từ bỏ quyền lực của chính mình; ngược lại luôn muốn tăng thêm, không muốn ai kiểm soát mình. Hy vọng những người lãnh đạo chân chính và trách nhiệm cao với quốc gia, dân tộc của Đảng và Nhà nước ta sẽ giải quyết tốt vấn đề này.
(Nguyễn Tiến Trung’s FB)
---------------
0 nhận xét:
Đăng nhận xét