Ngân sách Việt Nam khó tránh ‘thiếu trước, hụt sau’


Bội chi của Việt Nam trong bảy tháng đầu năm nay đã vượt qua mức 100 ngàn tỷ đồng. Một chuyên gia kinh tế nhận định, ngân sách Việt Namrất khó thoát khỏi tình trạng “thiếu trước, hụt sau.” 
Khi cung cấp những thông tin mới nhất về tình hình ngân sách, các viên chức lãnh đạo Bộ Tài Chính Việt Nam cho biết thêm rằng việc phát hành trái phiếu để bù đắp bội chi và có tiền chi cho đầu tư phát triển đang hết sức khó khăn.
Đó cũng là lý do mà cơ quan này phải hỏi vay Ngân Hàng Nhà Nước 30,000 tỷ đồng nhằm “bù đắp sự thiếu hụt tạm thời.
Trong một bài viết gửi cho tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, ông Phạm Thế Anh, làm việc tại đại học Kinh Tế Quốc Dân nhận định, tuy khoản vay vừa kể sẽ được hoàn trả trong năm nay nên Bộ Tài Chính Việt Nam gọi đó là “thiếu hụt tạm thời” nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy, sự “thiếu hụt tạm thời” này sẽ là tình trạng “thiếu hụt lâu dài.”
Trong những năm gần đây, tuy chưa tính đủ các khoản chi theo thông lệ quốc tế, song ngân sách Việt Nam vẫn thường xuyên thâm hụt và với mức độ càng ngày càng lớn. Bởi Việt Nam không có nguồn dự trữ để bù đắp cho chênh lệch tạm thời giữa thu và chi trong năm tài khóa nên Bộ Tài Chính mới phải hỏi vay Ngân Hang Nhà Nước 30,000 tỷ đồng. Ngoài việc hỏi vay vừa kể, Bộ Tài Chính Việt Nam còn phải phát hành 23,000 tỷ đồng tín phiếu kho bạc với kỳ hạn từ ba tháng đến sáu tháng để “chi tiêu tạm thời.”
Ông Phạm Thế Anh nhận định, phải vay một khoản tiền lớn trong khi theo báo cáo của Bộ Tài Chính Việt Nam thì chuyện thu ngân sách đang chuyển biến tích cực (đạt xấp xỉ 60% so với dự kiến và tăng từ 6% đến 7% so với cùng kỳ năm ngoái), không gặp bất kỳ khó khăn nào, chính là những tín hiệu cho thấy thâm hụt ngân sách của năm nay sẽ không thể chỉ ở mức 5% GDP như yêu cầu của Quốc hội Việt Nam, bởi nhu cầu phải chi rõ ràng là quá lớn. Phần lớn các khoản chi chỉ là chi thường xuyên (chi để duy trì hoạt động của hệ thống công quyền) và trả nợ.
Theo ông Phạm Thế Anh, việc chế độ Hà Nội phải tạm vay Ngân hàng Nhà nước một khoản tiền lớn không phải là tín hiệu tích cực về ngân sách của Việt Nam.
Cũng theo ông Phạm Thế Anh, hành vi này còn gây ra những méo mó cho thị trường. Nếu Bộ Tài Chính Việt Nam được đặc cách vay của Ngân Hàng Nhà Nước một khoản tiền lớn mà không phải trả lãi hoặc mức lãi rất thấp trong khi khu vực tư nhân phải vay với lãi suất cao thì điều đó sẽ vì tạo ra sự bất bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư.
Giống như nhiều chuyên gia kinh tế khác, chuyên gia kinh tế đang làm việc tại đại học Kinh Tế Quốc Dân này lập lại đề nghị, chính phủ Việt Nam cần minh bạch hóa những thông tin liên quan đến vay mượn, lãi suất, hoàn trả để dân chúng có thể giám sát. Cần thể chế hóa nghĩa vụ công bố thông tin của Ngân Hàng Nhà Nước, cũng như nghĩa vụ công khai dự toán và quyết toán ngân sách hàng năm của Bộ Tài Chính.
Nếu những thông tin liên quan đến vay mượn trở nên rõ ràng, ai cũng có thể theo dõi và giám sát thì đề nghị tạm vay 30,000 tỷ từ Ngân Hàng Nhà Nước của Bộ Tài Chính Việt Nam sẽ không gây lo lắng và bị công chúng phản đối như vài ngày vừa qua. (G.Đ/Người Việt)
--------------
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét