Cựu Lm John D Crossan: Lập trường Tác giả Mátthêu và Luca khi viết Tin Mừng thời thơ ấu Đức Giêsu



Chương 2
Con Thiên Chúa,
Con Đức Nữ Trinh Maria
 (bài 5)


Nếu câu truyện thời thơ-ấu của Đức Giêsu không mang sử-tính, thì đâu là chốt điểm lập-trường của tác-giả?


Để trả lời, tôi xin bắt đầu bằng câu truyện về cung-cách Đức Giêsu chào đời qua ngòi bút của tác-giả Luca, trước nhất. Có một điều, khiến quý vị nhận ra ngay từ đầu, là: trình-thuật Tin Mừng kể những hai sự-kiện chào đời: một, về Đức Giêsu; còn sự-kiện kia, là về ông Gioan Tẩy Giả. Như ta rõ, ông Gioan sinh từ người mẹ khá lớn tuổi, không còn hy-vọng sinh con/đẻ cái được nữa. Truyện này, qui chiếu vào thời vàng son các anh-hùng cái-thế ở Do-thái, như: Isaác sinh từ cha mẹ già, là ông Abraham và bà Sarah, ở độ tuổi không còn khả-năng cưu-mang/sinh-sản được nữa. Đằng khác, truyện ông Gioan chào đời, là để qui về truyện ông Samuel ở Cựu-Ước ra đời từ bà Hannah, do kết-cuộc từ việc Thiên-Chúa ứng đáp lời cầu của cụ bà hiếm muộn. Thành thử, những gì ta có là do “phép mầu” sản-sinh ở đời người, dù bậc sinh-thành nhân-vật này đã hiếm-muộn hoặc không còn tuổi sinh-sản nữa. Ta được bảo: ông Gioan thuộc truyền-thống anh-hùng hiếm-có, điều đó nói đến người Do-thái có niềm tin vững-mạnh vào Thiên-Chúa, khá rõ rệt.

Truyện, được phổ-biến rộng trong dân-tình để kể về đấng bậc lành/thánh được nhận là “vĩ-nhân” nên mới gán/tặng câu truyện chào đời, cách đặc-biệt. Để tỏ lòng tôn-vinh vĩ-nhân ấy, người viết đã tạo nên sự sống và sự chết rất tuyệt vời. Đồng thời, tác-giả còn dựng lên cốt truyện về bậc cha/mẹ cao sang từng cưu-mang/sinh-hạ vĩ-nhân trong tình-huống tuyệt-vời, cũng không kém.

Truyện cưu-mang/sinh hạ Đức Giêsu kể cùng lúc với truyện ông Gioan theo cách rất tương-tự. Kể truyện như thế, người viết chỉ muốn chứng-tỏ rằng: Đức Giêsu vĩ-đại và cao trọng hơn ông Gioan rất nhiều. Ông Gioan sinh ra từ bậc mẹ/cha hiếm-muộn và đứng tuổi. Còn, Đức Giêsu vẫn vĩ-đại và cao-trọng hơn ông nhiều, là nhờ Ngài hạ sinh từ người mẹ đồng-trinh, cả sau khi bà sinh-hạ ra Ngài. Việc ông Gioan chào đời, được công-bố chỉ với chòm xóm chốn thân quen, ít ai biết. Trong khi đó, Đức Giêsu giáng hạ làm người, được hằng-hà-sa-số các thiên-thần loan-báo từ trời cao, để người người am-tường/chứng-kiến. Tên tuổi ông Gioan được đặt ra và thông-báo cho cha/mẹ ông biết, xảy ra chỉ sau giờ phút hài-nhi chào đời, mà thôi. Còn, danh-tánh Đức Giêsu là do thiên-sứ nhà trời loan-truyền trước đó, cả vào ngày người mẹ đồng-trinh cưu-mang nên Ngài, nữa. Việc sinh ông Gioan đã công-bố cho gia-đình ông biết: ông là ngôn-sứ cao-trọng hơn mọi ngôn-sứ, không ai sánh kịp. Còn, Đức Giêsu được đưa dẫn lên Đền Thờ trình-diện với các bậc thày, nên Ngài không chỉ là vĩ-nhân trổi-bật mà thôi, nhưng Ngài còn cao-trọng hơn thế rất nhiều. Và, lời tiên-tri do vị ngôn-sứ cao-niên là cụ Simêôn và Anna nói, khi các cụ vinh-thăng sự cao-trọng của Đức Giêsu Trẻ Bé, lại đã trổi-bật hơn hết mọi người. Đức Giêsu được mô-tả: Ngài càng-lớn-càng-thêm-khôn-ngoan, khiến Thiên-Chúa rất hài-lòng, cả khi Ngài mới lên 12 đã khiến bậc thày ở Đền Thờ kinh-ngạc không ít, là do nhận-thức của Ngài sâu sắc đến tuyệt-mức.

Thành thử, ở truyện này, ta thấy tác-giả Luca viết thế là có dụng-đích nối-kết thân-thế ông Gioan với các anh-hùng hảo-hán của Do-thái. Tuy thế, việc này còn có mục-đích cho thấy Đức Giêsu vĩ-đại và tuyệt-vời hơn ông Gioan rất nhiều. Thông-điệp, do tác-giả Luca đem đến với người đọc, là: việc ứng-nghiệm lời tiên-tri thời quá-khứ của Do thái; còn chuyện lai-thời của họ lại vẫn tuỳ-thuộc vào Đức Giêsu. Cùng lúc, tác-giả Mát-thêu đã có lập-trường tương-tự như tác-giả Luca đưa ra, nhưng hai tác-giả đây vẫn diễn-tả lập-trường mình có được bằng truyện kể rất khác-biệt.



Nếu vậy, tác-giả Mát-thêu khác với tác-giả Luca đến mực nào?

Xem câu truyện do tác-giả Mát-thêu kể, ta thấy: tác-giả đây nối-kết việc Đức Giêsu sinh-hạ với truyền-thống cổ/xưa của Do-thái thật rất chặt, nhưng theo cung-cách cũng khác hẳn. Riêng, tác-giả Luca lại nối-kết truyện ông Gioan sinh ra với truyện Đức Giêsu hạ-sinh là cốt để đối-chiếu hai nhân-vật kỳ-cựu thời xưa/cổ là Isaác và Samuel, ở Cựu-Ước. Trong khi đó, tác-giả Mát-thêu lại đã vẽ lên cảnh-trí song-hành giữa Đức Giêsu và ông Môsê, cũng rất khác.

Hẳn mọi người còn nhớ câu truyện Xuất-hành kể về người Do-thái đi vào sa-mạc rất lưu-lạc, lúc đó vua Pharaô là người trị-vì nước Ai-Cập, đã tìm cách triệt-hạ dân Do-thái bằng lệnh-truyền tàn-sát cho bằng được các trẻ sinh từ mẹ/cha là người Do-thái đều phải ném xuống sông Nile, cho chết ngộp. Môsê được cứu, là do bà mẹ rất lanh-trí đem bỏ con mình vào sọt/giỏ đem giấu ở bờ sông Nile, mãi đến khi con gái vua Pharaô bắt gặp đã sinh lòng thương-xót đem về dưỡng nuôi cùng giáo-dục. Trong văn-bản bình-dân thời Đức Giêsu sống, người ta lại thêm vào truyện này nhiều chi-tiết lấy từ bên ngoài, như: truyện Môsê sinh hạ không nhằm lúc có lệnh tàn-sát trẻ được ban-hành cách rộng rãi. Trái lại, lệnh được ban ra, là để triệt-diệt Môsê khỏi mọi hậu hoạ. Vua Pharaô được cảnh-báo: sẽ có lãnh-tụ xuất-chúng từ trời ban cho người Do-thái. Thành thử, giả như sự việc xảy đến đúng như lời đồn thì chắc chắn vua Pharaô sẽ bị hạ-bệ, cũng không lâu. Thêm vào đó, nhiều người Do-thái lại đã đi đến quyết-định ly-dị vợ hầu tránh khỏi cảnh có con mới vừa sinh ra đã bị sát hại, thật thê thảm. Thành thử, thân-phụ của ông Môsê quyết chọn đường-lối cưu mang/sinh con do lời tiên-liệu về tương-lai/mai ngày của trẻ bé, rất cao cả.

Thoạt khi khởi sự viết Tin Mừng, tác-giả Mát-thêu lại đã tạo nên truyện Đức Giêsu giáng hạ làm người giống hệt câu truyện về ông Môsê khá ly-kỳ. Còn, Hêrôđê lại giống hệt vua Pharaô khi xưa được cảnh-báo: có Đấng Cứu Chuộc vừa hạ sinh. Nên, ông truyền lệnh tàn-sát mọi trẻ bé dưới hai tuổi để phòng hậu-hoạ. Nhất thứ, là khi có lời báo-động trong thôn làng Bét-Lê-Hem, nơi xuất-hiện Trẻ Bé sau này sẽ trở thành Đấng cứu dân bị trị. Ông Giuse lại cũng giống như thân-phụ của ông Môsê trù tính ly-dị vợ hầu thoát khỏi cảnh-tình khó xử sẽ xảy đến. Nhưng đêm đến, ông được mộng báo về sự cao-trọng của Trẻ Bé  sắp chào đời, nên quyết-định ở lại với người vợ là Nữ Trinh Maria. Cuối cùng, Môsê dẫn dắt dân con Do-thái rời Ai Cập cách an-toàn. Trong khi đó, Đức Giêsu đã được cứu khỏi tên bạo-chúa dã-man/tàn-bạo không phải bằng việc trốn-tránh khỏi Ai-Cập, mà là: cùng với Mẹ/cha đi Ai-Cập, để ẩn-náu. Bằng việc sánh-ví trường-hợp Đức Giêsu với Môsê, tác-giả Mát-thêu đã phát-tán thông-điệp nhấn mạnh rằng: Đức Giêsu là Môsê Mới, nhưng Ngài cao trọng hơn Môsê gấp nhiều lần.

Nay, ta thấy những gì thực-sự xảy ra ở cả hai cốt truyện, là: dù tác-giả Luca và Mát-thêu quyết dựng lên cốt truyện thời thơ-ấu của hai vị khác hẳn nhau, nhưng cả hai truyện đều dẫn về cùng mục-tiêu. Mỗi tác-giả kể truyện đều sử-dụng quá-trình lịch-sử của dân Do-thái làm phương-thế diễn-giải chuyện đang xảy ra trong hiện tại. Theo cung-cách diễn-tả như thế, truyện kể nào cũng mô tả Đức Giêsu là Đấng cao-trọng không ai sánh-tày ngay đến các anh-hùng thời cổ cũng đều thế. Truyện Đức Giêsu được kể theo cùng một kiểu, giống hệt thế. Và, điều này do cuộc sống của Hội-thánh thời tiên-khởi có bạn đồng-hành với Đức Giêsu truy tìm văn bản kinh-thánh, với nỗ-lực hiểu/biết Ngài và tạo thân-tâm của Ngài một ý-nghĩa rất trọng-đại. Ở bản “nhạc dạo đầu” này, ta thấy tín-hữu Đạo Chúa đã biết sử-dụng Kinh thánh của người Do-thái, để giải-thích ý-nghĩa của việc Đức Giêsu hiện-hữu với con người, như con người. Và, mọi văn-bản Tin Mừng đều chứa đựng nhiều chi-tiết về ý-nghĩa này.


Ông có nói: tác-giả Mát-thêu và Luca kể hai câu truyện hoàn-toàn khác nhau, nhưng hai vị đều cho biết: Đức Giêsu xuất thân từ người mẹ đồng trinh và ông gọi đó là truyện “giả-tưởng tôn-giáo”. Thế nghĩa là, ông không tin vào chuyện người mẹ đồng trinh mà lại sinh con, sao?                    


Quả rất đúng. Hai tác-giả Mát-thêu và Luca đều đồng-thuận việc người mẹ sinh Đức Giêsu vẫn đồng-trinh/sạch-sẽ. Nhưng, đây là chuyện minh-hoạ cách trọn-hảo lập-trường lâu nay tôi minh-xác, tức là: tín-hữu thời tiên-khởi, từng truy tìm các truyện thánh của Do-thái để hội ra ý-nghĩa của sự việc Đức Giêsu hiện-hữu với con người, như người phàm.

Từ truyện do tác-giả Mát-thêu viết, việc truy tìm như thế đã trở thành sự việc rất rõ ràng. Chí ít, là điểm: sứ-thần nhà trời tỏ-lộ cho ông Giuse biết vị-thế của Người Con do Maria vợ mình sinh hạ. Và, tác-giả Mát-thêu lại đã đặc-biệt thêm câu: “Tất cả sự việc này xảy ra, là để ứng-nghiệm lời xưa Chúa phán qua miệng ngôn-sứ: Này đây, Trinh-Nữ sẽ thụ-thai và sinh-hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta."

Nay, ta hãy để ra một khoảnh-khắc ngắn mà nhìn vào cách sắp-đặt từ-vựng ở lời ngôn-sứ nói trong sách Ysaya đoạn 7 câu 14, như sau: “Này đây, người thiếu-nữ mang thai, sinh-hạ con trai và đặt tên là Em-ma-nu-en…” Suốt hơn 700 năm trước thời Đức Giêsu sống, Vua Ahaz của Giuđa đã bị lực-lượng ngoại-bang đe-doạ, nên mới được ngôn-sứ Ysaya khuyến-khích đặt niềm-tin vào Thiên-Chúa. Kịp đến khi vua Ahaz chối-từ việc Thiên-Chúa chắc-chắn sẽ hỗ-trợ ông, ngôn-sứ Ysaya mới đưa ra lời tiên-tri nói về ngày/giờ suy-sụp.  

Thế nhưng, lời tiên-tri không đả-động gì đến việc nữ-trinh thụ thai và sinh con, hết. Bên tiếng Hipri Do-thái, từ vựng “almah” lại qui về người nữ trẻ vừa lấy chồng, nhưng chưa thụ thai con đầu lòng. Ngôn-sứ Ysaya có nói rằng: nữ-phụ trẻ sẽ sớm thụ-thai và sinh con trai. Và trước khi trẻ bé này đạt tuổi trưởng thành thì lúc ấy các vương-quốc bị tấn-kích và người nữ trẻ “almah” kia sẽ được coi như bị tàn-phá đến lụn-bại. Thiên-Chúa, khi ấy, sẽ là Đấng Emmanuen, tức: “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”, nhưng theo nghĩa của một phán-quyết chứ không phải ý-nghĩa của sự cứu-thoát khỏi thảm-cảnh nào đó. Lời tiên-tri của ngôn-sứ Ysaya đặc-biệt hướng về chúng dân ở thời-đại của riêng ông mà thôi. Tuy thế, tác-giả Mát-thêu đọc ngôn-từ cổ/xưa này rồi coi đó như lời tiên-đoán đầy hy-vọng hơn là phán-quyết; và ông dùng từ-vựng “đồng-trinh/son sẻ” để áp-dụng không chỉ vào tình-huống trước ngày cưới của nữ-phụ trẻ nói trên, mà là tình-trạng của bà mẹ cả vào thời gian đang xảy ra và sau khi thụ thai.

Không như Mát-thêu, tác-giả Luca lại không đặc-biệt qui về lời tiên-tri của ngôn-sứ Ysaya, dù ngôn-từ ông sử-dụng khá gần-gũi với lời của tác-giả Mát-thêu đến nỗi ta cứ đoan-chắc là ông đã có được ý-tưởng đó trong đầu.

Thế thì, chuyện gì diễn-biến ra như thế? Chương/đoạn hoặc câu cú ghi ở lời ngôn-sứ Ysaya đâu phải là lời tiên-đoán về Đức Giêsu, mà là một sứ-điệp gửi đến vua/quan thời đó vào tháng ngày Ysaya còn sống. Tuy nhiên, cho đến lúc các Tin Mừng được viết ra, thì tín-hữu thời tiên-khởi lại đã tiến-hành việc truy-tìm các Kinh Sách rất thánh để có được bất cứ ánh-sáng nào khả dĩ cho biết lai-lịch của Đức Giêsu. Các tác-giả đây đã quyết-định rằng Đức GIêsu là Đấng được Thiên-Chúa tuyển-chọn. Ngài đã có “uy-lực cứu-chuộc” đem cho họ rồi. Và, họ cũng đã tin vào ý-nghĩa việc Đức GIêsu từng dạy-dỗ và chữa lành ở giữa họ rồi bị đóng đinh. Việc họ làm sau đó, là dự-phóng về phía trước niềm tin nơi Ngài theo hướng quay ngược về thời Ngài được thụ thai và sinh-hạ.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi tín-hữu đều làm thế. Bởi, câu truyện này đây không thấy có ở bất cứ nơi đâu ngoài truyền-thống được tác-giả Mát-thêu và Luca sử-dụng, nên ta cũng hiểu được rằng không phải tất cả tín-hữu thời trước đều đã từng đọc các chương/đoạn do ngôn-sứ Ysaya viết theo cùng cung-cách.

Dù sao, thì những người chống-đối Đạo Chúa lại nghe biết các khẳng-định cho rằng Ngài sinh-hạ từ bà mẹ đồng-trinh nhưng vẫn sinh con, nếu họ đưa ra lời bác bỏ minh-nhiên bảo rằng: Ngài chắc phải là người con hoang, mới như thế. Có triết-gia ngoài đạo là Celsius từng viết lách vào cuối thế-kỷ thứ hai đã khẳng-định rằng người cha không hôn-thú của Ngài là một lính-chiến La Mã có tên là Panthera. Danh-tanh vị này, có lẽ ta cũng nghe nhiều về lời bóng gió ám-chỉ từ-vựng “parthenos” bên tiếng Hy-Lạp thay cho từ “almah” tiếng Hip-ri chỉ về người nữ trẻ, là từ-vựng rút từ sách Ysaya đoạn 7 câu 14, thôi.                         

                                                                                                                             (còn tiếp)

Cựu Linh mục John D. Crossan
Mai Tá lược dịch

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét